Đại học có phải là con đường duy nhất?
Trong cuộc đời mỗi con người, sẽ có những khoảng thời gian lắng đọng làm mỗi chúng ta cảm giác rằng chỉ có một lựa chọn duy nhất và phải thật đúng đắn. Uh, có lẽ, bây giờ là một trong những lúc cần đến sự quyết định sáng suốt đó - mà chúng ta nghĩ - là việc lựa chọn con đường cho bản thân sau khi tốt nghiệp trung học. Liệu rằng bạn sẽ học tiếp hay dừng lại và nghĩ đến việc lập gia đình, cưới vợ-chồng, sinh con? Sẽ làm lao động phổ thông ở các khu công nghiệp, hay về nhà trồng rau, nuôi lợn?
Tất cả các hướng đi đó đều hướng đến mục đích cuối cùng là tạo nên một cuộc sống êm ấm và đầy đủ cho cả bản thân bạn và gia đình. Những việc đó đều là công việc đúng nghĩa, không hề xấu và đáng được trân trọng, vì làm gì đi nữa, giá trị của con người và cách sống tốt đẹp mới là điều đáng trân quý nhất. Tuy nhiên, liệu những công việc ăn xổi ở thì có giúp bạn cải thiện cuộc sống tốt hơn, hay chỉ quẩn quanh những lo toan cơm áo gạo tiền rồi cuối cùng lại chán chường với cuộc sống chỉ giới hạn ở một nơi nào đó nhất định?
Có lẽ, với một số không ít bạn, và gia đình của bạn không mặn mà với việc học tiếp. Đừng hiểu lầm việc học tiếp ở đây là học đại học nhé. Có nhiều người không bước vào giảng đường đại học vẫn thành công, nhưng không ai không học mà thành công cả. Ngoài con đường đại học thì chúng ta có thể chọn cao đẳng, trung cấp, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề dân dụng… miễn sao bạn chọn cho mình một lối đi để tiếp thu được gì đó làm kế mưu sinh, đó chính là nghề của bạn!
Gì cũng được, nhưng nếu có thể hãy chọn cho bạn con đường vững chắc nhất để bản thân được tôi luyện một cách hoàn hảo nhất, đó chính là con đường đại học, cao đẳng.
|
Học tập chính là con đường có ánh sáng thuần khiết nhất |
Không có lựa chọn nào hoàn hảo cả, mọi thứ chỉ là tương đối và đại học cũng vậy, vẫn sẽ có rủi ro. Nhưng bạn sợ điều gì? Sợ những rủi ro sẽ vấp phải hay sợ người khác nói sau lưng rằng bạn đã chọn sai và phung phí? Làm gì có ai làm đúng được hết, làm hài lòng tất cả mọi người hở bạn, có chăng là người đó không làm gì cả!
Đừng sống theo lời nói của người khác, hãy chọn cho bạn điều mà bạn cảm thấy bản thân phù hợp và tích cực nhất!
Đại học, trước tiên là tốn kém về tiền bạc và thời gian, phải! Mình ví dụ ở đây, tiền mỗi năm 2 học kỳ cho một trường công lập dao động từ 6-10 triệu; tiền ở ký túc xá dao động từ 650 nghìn – 1 triệu cho mỗi học kỳ 5 tháng, tiền bảo hiểm 500 nghìn mỗi năm; tiền ăn uống đi lại sinh hoạt trung bình là 2-3 triệu mỗi tháng. Vậy tính ra một năm học bạn sẽ phải chi tiêu tối đa khoảng 40 triệu, và 4 năm là 160 triệu nếu không có chi phí nào khác phát sinh, hoặc cứ cho lên hẳn 200 triệu đi cho chẵn! :))
Bạn thấy được gì từng những con số đó? Nhiều! Phải, nhiều tiền quá mà, nhưng đó là của một năm, của 4 năm học chứ không phải bắt buộc bạn đóng trong một ngày một tháng! Nếu gia đình bạn có khả năng, đó không là vấn đề, nếu không, bạn sẽ làm gì? Chia để trị!
Khi xưa, thực dân Pháp vào đô hộ đất nước ta cũng đã áp dụng chính sách “chia để trị”. Chúng chia đất nước ta làm 3 vùng Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ để có thể dễ dàng cai trị chứ không cai quản một lúc cả nước ta. Thế nên, trong trường hợp này, bạn cũng có thể “chia để trị” với con số chi phí đó.
Học phí, bảo hiểm và phí nội trú ký túc xá bạn sẽ đóng mỗi 5 tháng 1 lần, tiền ăn uống đi lại thì hàng ngày hàng tháng… nên bạn có thể chia ra từng giai đoạn để có thể đắp vào phần bị thiếu. Đầu vào bạn có thể thu được là tiền đi làm thêm: làm thêm ở Sài Gòn hiện nay dao động từ 10-20 nghìn mỗi giờ cho công việc bưng bê chân tay hoặc cao hơn đối với công việc trí óc như viết bài quảng cáo, chỉnh sửa hình ảnh...; mỗi học kỳ sẽ có 10% học sinh đứng đầu lớp nhận được học bổng khuyến khích học tập tương đương học phí kỳ đó và cũng có những học bổng khác nhau của các công ty đến để hỗ trợ, chiêu mộ hiền tài; ngoài ra thì trường có chế độ cho vay vốn học tập với mức vay từ 10-20 triệu mỗi năm tuỳ theo trường.
Thực sự mà nói, thì chi phí là vấn đề lớn nhất, nhưng nếu bạn dám bước tiếp và hoàn thành con đường học tập của mình thì đó chỉ là vấn đề nhất thời. Đừng đỗ lỗi cho việc bạn nghèo… nếu bạn nghèo mà học dở thì nên tính chuyện khác, chẳng hạn như học nghề... vì học dở là khả năng bạn vốn dĩ đã thế và sự lựa chọn khác sẽ tốt hơn cho bạn lúc này. Nhưng chịu học và khá ổn mà ngừng lại thì đó là một sự hối tiếc của cả một đời người!
|
Tri thức mở ra cho chúng ta cánh cửa vô tận... |
Lựa chọn ở đâu?
Cuộc đời bạn chỉ sống có một lần, hãy cho bản thân mình biết đâu là sự lựa chọn đúng đắn cho mình. Bạn có trẻ, bạn có thể sai lầm, nhưng quan trọng là bạn phải biết đứng dậy sau sai lầm đó! Uh, nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng chỉ khi thực hành rồi, bạn mới biết bạn cần gì và muốn gì! Gia đình, bạn bè, những lời họ nói chỉ là suy nghĩ của bản thân họ và chưa chắc là sẽ phù hợp với bản thân bạn. Ở đây, mình không phải hướng bạn đến con đường đại học mà là con đường nào phù hợp nhất và an toàn với bạn, đó là học tiếp, như mình đã nói.
Sự khác nhau của đại học và các hệ khác là: đại học 4 năm, cao đẳng 3 năm, trung cấp 2 năm, đó là con số chẵn và có thể thay đổi, sớm hơn hoặc muộn hơn. Ngoài ra thì đại học sẽ đào tạo bạn bài bản và chi tiết, hướng nhiều về lý thuyết và chuyên sâu hơn, còn cao đẳng và trung cấp sẽ nhỉnh hơn một chút về thực hành do thời gian ngắn hơn(chi tiết còn nhiều…). Sau khi ra trường thì, chưa chắc ai hơn ai nhé. Chỉ cần kiến thức bạn vững thì thực sự tấm bằng ở hệ nào cũng không cản được cơ hội việc làm của bạn.
Thực trạng thất nghiệp hiện nay mà các báo đài đưa tin là gì? Đó là sinh viên chỉ học lấy có và lơ đãng việc học của mình nên kiến thức thực sự chẳng được bao nhiêu. Vì sao lại có việc đó? Vì khi vào môi trường học xa nhà, sẽ chẳng ai nhắc nhở bạn học thế nào, sẽ chẳng ai bên cạnh la mắng khi bạn mải miết ở quán game hay bàn nhậu, sẽ chẳng ai giặt đồ hay nấu ăn cho bạn, bạn sẽ tự quản lý bản thân mình và tự lập hơn. Dĩ nhiên nếu tốt thì bạn sẽ thực sự trưởng thành, còn không, sa ngã vào rượu chè, game là điều không tránh khỏi, lúc đó thì cũng chẳng ai kéo bạn ra được cho đến khi bạn cạn kiệt tất cả: tiền bạc, bạn bè, tình cảm của gia đình.
Sau khi học xong, bạn giỏi, bạn chăm chỉ ắt sẽ có công việc, chỉ là bạn có muốn làm hay không, hay mơ tưởng đến một một mức lương nghìn đô với kinh nghiệm non nớt, đó là điều không tưởng. Nhà phải xây mống và bạn phải đi từ thấp lên cao. Mức lương khởi điểm cho hầu hết các công việc hiện nay đối với sinh viên mới ra trường là 6-10 triệu. Nó không nhỏ và cũng không quá lớn, nhưng đủ để bạn tiếp tục công việc và phấn đấu lên một mức lương cao hơn, cao hơn nữa! Công việc thì bạn có thể mất, nhưng nghề nghiệp và kiến thức thì sẽ bên bạn cả đời...
Đừng đỗ lỗi cho gia đình ép buộc hay gì gì đó mà bạn không chọn cho mình con đường học tiếp. Nếu điều bạn thích mà không phấn đấu thì đến bao giờ bạn mới có? Quan trọng là bạn phải hiểu người hiểu mình, biết được giới hạn bản thân ở đâu! 12 năm học chỉ xếp hạng trung bình yếu mà chọn thi Y Dược hay Công An thì đó không phải là dám phấn đấu vì ước mơ mà bạn đang tự huyễn hoặc rằng con cá có thể leo cây!
Hành trang vào con đường học tập tiếp theo ở nơi xa cũng không có gì quá phức tạp hay khó khăn. Chỉ cần bạn có niềm tin, có nghị lực và biết đâu là giới hạn của bản thân thì mọi chuyện sẽ chỉ trong tầm với của bạn. Chính vì hiểu được những vấn đề đó của bạn, cũng như chúng mình đã từng bỡ ngỡ thắc mắc như thế, nên chúng mình mới tự nguyện về trường để tư vấn hỗ trợ cho các bạn mọi thứ từ ở quê đến khi học tập trên Sài Gòn hay bất kỳ nơi đâu nếu có thể, mà không một đơn vị nào bắt ép hay hỗ trợ chi phí cho chúng mình cả!
Đường đời còn dài, các bạn còn trẻ, sai lầm ắt sẽ có nhưng nếu không làm thì cuối cùng bạn cũng sẽ chẳng được gì ngoài hai bàn tay trắng. Bạn có quyền làm lại vì bạn có cái gọi là ngày mai và cơ hội lần nữa, chúng ta chỉ thực sự thất bại khi chúng ta từ bỏ mọi cố gắng (nghe quen không? :)). Ngày xưa khi bạn còn bé, không phải cứ tập là sẽ đi được, không phải cứ học là nói được, không phải cứ nhìn chữ là đọc được, và không phải cứ làm là sẽ đúng. Có thất bại, có sai lầm rồi từ đó mà đứng dậy đi tiếp, làm lại một cuộc sống với những trải nghiệm đáng nhớ. Nếu tuổi trẻ chẳng có sóng gió, thì mãi mãi bạn chẳng có cái trải nghiệm để gọi là cuộc đời, sau này sẽ chẳng có gì để kể cho con cháu bạn và cuối cùng bạn cũng chỉ sinh ra rồi mất đi như một hạt cát vô danh mà không đóng góp vào một công trình nào cả!
Như một câu nói trong Nhà Giả Kim, hãy đọc cuốn sách này: “Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó - And when you want something, all the universe conspires in helping you to achieve it.”
|
... và con đường tự do nhất
|
Mọi thứ đều có thể đến bất ngờ, tiêu cực và cả tích cực, bạn hãy học cách chấp nhận vì không ai có thể đạt được tất cả mọi thứ mà mình muốn. Hãy xem đó như một cái duyên, nếu không đạt được, vậy thì hãy cố gắng hơn nữa để đạt được. Nói thì nghe dễ quá phải không, nhưng sự cố gắng của bạn sẽ được đền đáp khi bạn thực sự cố gắng.
Bạn nên nhớ sự lựa chọn của bản thân bạn phải do chính bạn quyết định một cách tỉnh táo, đừng mù quáng bị ảnh hưởng bởi ai, nghe bất cứ ai, ngay-cả-những-điều-mình-vừa-nói-với-bạn! Hãy tin vào trực giác và khả năng của bản thân, của con tim và lý trí, quyết định của lúc này sẽ là tương lai của cả đời bạn…
Hãy bước khỏi vòng an toàn của bản thân, thực hiện ước muốn và bước đi trên con đường mà bạn muốn đi nhất, cảm thấy bản thân mình lựa chọn đúng đắn và thoải mái với sự lựa chọn đó. Vì bạn chỉ có một cuộc đời để sống, một tuổi thanh xuân và bạn xứng đáng để được như vậy!
Hãy học tiếp, học vì kiến thức, và học cả cách làm người! Bạn nhé!
“Có những ước mơ xa xôi như ngôi sao trên bầu trời đen tối, chính ánh sáng của nó đã dẫn lối cho chúng ta đi. Nó quá xa để có thể chạm tới, nhưng chúng ta sẽ không thấy được vẻ đẹp của nó khi xung quanh không có những mảng tối, chúng ta sẽ không thấy được sự lấp lánh của nó khi chúng ta không hướng về ngôi sao xa xôi ấy…”
Bài viết mang suy nghĩ cá nhân từ những gì cảm nhận được! ^^